Nguyễn Mai Đức hiện là du học sinh ở Anh. Với nhiều kinh nghiệm về kỳ thi IELTS, Mai Đức đã tổng kết 6 lưu ý chính dưới đây để các thí sinh đạt điểm cao nhất có thể trong bài thi Nói.
Phần thi Speaking (Nói) được nhiều thí sinh IELTS đánh giá là khó nhất trong 4 kỹ năng. Áp lực tâm lý, cấu trúc đề lạ hay không có thời gian chuẩn bị là những lý do khiến Speaking trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người muốn chinh phục ngưỡng cửa IELTS.
Để giúp các bạn khắc phục những khó khăn gặp phải, sau đây tôi xin chia sẻ một số kỹ năng hữu ích cho phần Speaking của bài thi IELTS.
Độc giả có câu hỏi hoặc chia sẻ về việc học ngoại ngữ có thể gửi thư về địa chỉ hoctienganh@vnexpress.net hoặc thanhbinh@vnexpress.net
1. Trước ngày thi:
Nhiều thí sinh có thể cải thiện kỹ năng đọc và nghe một cách đáng kề bằng cách tự luyện tập chăm chỉ trong vài tuần. Tuy nhiên đối với phần nói thì điều này không hề dễ dàng. Việc cải thiện kỹ năng nói là một quá trình đòi hỏi thời gian và công sức.
Trước tiên khi đặt lịch thi IELTS, bạn cần xác định rõ mình có bao nhiêu thời gian để ôn tập. Sau đó hãy vạch ra một kế hoạch cụ thể về thời gian ôn tập mỗi kỹ năng, bao gồm Speaking. Đừng cố tạo ra một kế hoạch quá chi tiết và cụ thể. Hãy tạo ra một lịch trình ôn tập dễ hiểu, khả thi và luôn cho bản thân những giờ phút giải trí.
2. Trong ngày thi:
Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trước ngày thi Speaking. Ngủ đủ giấc và có một bữa ăn sáng đầy đủ sẽ giúp bạn tự tin thể hiện bản thân. Khi bước vào vòng phỏng vấn hãy luôn giữ một tâm trạng thoải mái, tự nhiên. Như vậy là bạn đã có một nửa cơ hội để thành công.
3. Trong khi phỏng vấn:
Đừng cố thể hiện rằng những gì bạn nói đã được chuẩn bị trước:
Việc bạn trả lời câu hỏi một cách máy móc, hệ thống sẽ bị người chấm thi phát hiện ra dễ dàng. Họ sẽ thay đổi câu trúc câu hỏi để xem khả năng thực sự của bạn là gì. Vì vậy thay vì cố gắng tỏ ra là một bậc thầy tiếng Anh, hãy trả lời một cách tự nhiên, dùng các mẫu câu mà bạn hiểu rõ hay đã tập luyện nhiều.
Hãy hình dung phần phỏng vấn của IELTS Speaking không phải là bài phát biểu của một nguyên thủ quốc gia, cũng không phải là cuộc nói chuyện giữa hai người bạn thân, nó là một thứ ở giữa.
Thái độ:
Có một sự hiểu nhầm khá phổ biến đó là nếu bạn cười trong khi phỏng vấn, thì giám khảo sẽ có cảm tình và cho bạn điểm cao hơn. Điều này không hề đúng. Việc bạn cười chỉ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc phỏng vấn.
Hãy luôn giữ một thái độ lịch sự, nhã nhặn và duy trì giao tiếp bằng mắt với người phỏng vấn. Bạn có thể dùng các cử chỉ bằng tay trong khi biểu đạt quan điểm nhưng đừng để việc này làm cản trở bài thi.
Nói trực tiếp với người phỏng vấn:
Nghe có vẻ buồn cười, nhưng thực tế đó là có nhiều thí sinh đã chỉ chăm chú nói vào chiếc máy ghi âm mà quên mất rằng người nghe chính ở đây là giám khảo. Họ sẽ quyết định điểm của bạn ngay khi bạn bước ra khỏi căn phòng phỏng vấn mà không nghe lại băng ghi âm. Việc ghi âm lại bài phỏng vấn chỉ nhằm mục đích chống tiêu cực và đề phòng trường hợp bạn phúc tra bài thi sau này.
Không hỏi kết quả:
Người chấm thi không được phép nói cho bạn biết kết quả sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Bạn chỉ biết nó 13 ngày sau ngày thi chính thức. Khi bài phỏng vấn kết thúc, hãy thân thiện chào giám khảo và ra về mà đừng hỏi kết quả.
4. Tôi có nên tạo cuộc phỏng vấn như một cuộc trò chuyện thân mật?
Câu trả lời là không. Đây là một bài kiểm tra học thuật nghiêm túc. Tuy rằng đôi khi được gọi là một cuộc đối thoại nhưng ở đây bạn sẽ là người trả lời các câu hỏi. Nếu không hiểu rõ về đề bài, hay không nghe rõ câu hỏi, đừng ngần ngại hỏi lại giám khảo.
Hiểu lầm phổ biến đó là việc hỏi lại này đồng nghĩa với việc kỹ năng nghe của bạn sẽ bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi lại quá nhiều lần thì người chấm thi cũng sẽ phải nghĩ lại về kỹ năng của bạn.
5. Tôi có nên phô bày kiến thức chuyên môn của mình?
Điều này không có gì sai, nhưng trong nhiều trường hợp sẽ không giúp bạn tăng điểm số. Bạn nên nhớ bài IELTS sẽ đánh giá khả năng nói tiếng Anh của bạn thông thạo như thế nào, chứ không đánh giá về bề dầy kinh nghiệm của bạn. Tất nhiên, việc thêm các ví dụ thực tế sẽ tăng sự thuyết phục của những suy luận mà bạn đưa ra. Nhưng đừng quá đi sâu vào những kiến thức chuyên môn này.
Sau đây là 4 khía cạnh mà người phỏng vấn sẽ dựa vào để đánh giá kỹ năng nói của bạn. Điểm tối đa cho từng phần sẽ là 9 và điểm của bài IELTS Speaking sẽ bằng tổng điểm của 4 kỹ năng này chia cho 4.
- Sự trôi chảy và liên kết: Khả năng nói ở tốc độ vừa phải, không ngắt ngừng quá lâu. Biết tổ chức các câu một cách lô-gic, bằng các ý kiến thuyết phục và phù hợp.
- Vốn từ vựng: Khả năng trình bày nhiều từ vựng, nhưng phải vừa chính xác vừa hợp lý.
- Ngữ pháp: Sử dụng nhiều cấu trúc câu. Biết tránh các lỗi về ngữ pháp và cố gắng diễn đạt ý kiến theo một cách dễ hiểu.
- Phát âm: Giọng nói rõ ràng, dễ hiểu và tự nhiên trong toàn cuộc phỏng vấn.
6. Việc tôi tham gia bài thi ở nơi tôi sống/ đất nước mà tôi sinh ra sẽ giúp tôi đạt điểm cao hơn?
Nhiều thí sinh tin rằng việc họ làm bài thi IELTS nói chung ở nơi họ sống hay đất nước họ sinh ra sẽ cải thiện điểm số. Không có bất cứ sự liên hệ nào giữa hai việc này, vì bài IELTS có độ khó như nhau dù bạn có tham gia thi nó ở đâu đi nữa. Tuy nhiên lời khuyên đó là hãy cố gắng tham gia kỳ thi IELTS ở nơi gần bạn nhất hay nơi mà bạn cảm thấy tự tin. Sự cải thiện tâm lý này có thể giúp bạn làm bài tốt hơn.
Nguồn: Internet
Xem thêm: Top 10 mẹo luyện tập TOEFL reading
0 nhận xét:
Đăng nhận xét